Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

BĐS Hà Nội: Xu hướng về gần trung tâm

Thông tin được đại diện Công ty CB Richard Ellis Việt Nam chia sẻ trong buổi công bố nghiên cứu thị trường Hà Nội trong quí 1-2012, diễn ra ngày 11-4.
Với lượng tiền có thể mua được căn hộ cách trung tâm thành phố Hà Nội trong vòng bán kính 10 km tại thời điểm 2010 thì nay, người mua có thể mua được một sản phẩm bất động sản tương đương chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 5-7 km.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE cho rằng điều này đang giúp người mua có nhiều lựa chọn tiến gần tới khu vực trung tâm dù số tiền dùng để mua nhà của họ không đổi.
Trong quí 1-2012, người mua và cả chủ đầu tư tiếp tục “chờ đợi và quan sát” diễn biến thị trường. Điều đó minh chứng qua việc thị trường phân khúc căn hộ chung cư chào bán rất dè dặt từ phía các doanh nghiệp. Dự án được chào bán mới tại thị trường chủ yếu đến từ các quận thu hút người mua để ở với mức thu nhập trung bình như quận Hoàng Mai, Long Biên, Từ Liêm và Cầu Giấy.
Ông Richard Leech cho rằng, ở thị trường thứ cấp giá chào bán tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ quí 2-2011. Những căn hộ chào bán mới cũng tiếp tục được các chủ đầu tư điều chỉnh theo chiều hướng giảm. Cụ thể, đã có khoảng 53% căn hộ được chào bán mới có giá dưới 20 triệu đồng/m2, một hiện tượng ít gặp kể từ cơn sốt nhà đất năm 2007.
BĐS Hà Nội: Xu hướng về gần trung tâm, Tài chính - Bất động sản, bat dong san ha noi, bat dong san, BDS, du an, chu dau tu, khach hang, xay dung, thi truong, can ho, bao
Các dự án trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài.- Ảnh minh họa: Thoa Nguyễn
Dự kiến năm 2012, sẽ có khoảng 20.000 căn hộ được chào bán theo kế hoạch hiện tại của chủ đầu tư. Tuy nhiên, nguồn cung thực thế có thể điều chỉnh giảm đáng kể nếu tính hình thị trường ảm đạm hiện tại tiếp diễn.
Một điều ghi nhận từ CBRE cũng cho thấy rằng khách hàng ngày càng thiếu tin tưởng vào khả năng hoàn thành dự án của chủ đầu tư, tiến độ xây dựng và chất lượng xây dựng. Điều đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý mua nhà của họ.Theo đó, càng gần giai đoạn hoàn thiện, dự án sẽ càng được bán tốt hơn - ông Richard dự báo.
Xu hướng dịch chuyển vào trung tâm thành phố cũng thể hiện ở phân khúc văn phòng cho thuê. Trong quí 1-2012, tổng diện tích cho thuê mới trên toàn thị trường đạt 14.000 m2, đưa tỷ lệ trống của văn phòng hạn A và B giảm 5 điểm phần trăm so với quí 4-2011 xuống còn 32% và 21%.
Đối với khách thuê lớn, có nguồn ngân sách cao và muốn duy trì hình ảnh, họ vẫn lựa chọn các dự án thuộc khu vực trung tâm khi chuyển văn phòng cho dù có nhiều lựa chọn ở khu vực phía Tây và khu vực Ba Đình - Đống Đa. Điển hình như phần lớn khách thuê ở tháp B Vincom City Tower có xu hướng chuyển tới các tòa văn phòng hạng B trong khu vực trung tâm như Capital Tower, Sun City, Tungsinh và CDC Building
Gần 390.000 m2 diện tích văn phòng được dự đoán sẽ gia nhập thị trường trong năm 2012. CBRE nhận định rằng đây cũng sẽ là năm có diện tích thực thuê mới cao kỷ lục, mặc dù tỷ lệ trống và nguồn cung vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Hiến kế “gỡ vốn” cho bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS) đang “đói vốn” và không có “phương thuốc” hữu hiệu cho tình trạng này khi tính thanh khoản của ngân hàng thương mại yếu, niềm tin giảm và nhiều nhà đầu tư thứ phát đang trong trạng thái “ôm bom”, không biết vỡ nợ lúc nào.



Mặc dù ngân hàng đã nới lỏng tín dụng đối với việc cho vay BĐS song các doanh nghiệp (DN) BĐS đều cho rằng kênh huy động vốn từ các ngân hàng thương mại không phải là giải pháp tối ưu khi lãi suất cho vay vẫn ở mức 18-19%. “Đầu tư BĐS với lãi suất gần 20% thì là cực kỳ khó cho các nhà đầu tư. Có lẽ chỉ những nhà đầu tư khó khăn quá mức mới dám tiếp cận” - một chủ đầu tư đang kẹt vốn than thở.

Lãi suất chưa thể giảm ngay chính là một thực tế. Chính sách có độ trễ và các ngân hàng phải cân đối đầu huy động trước đây (huy động ở mức cao) nên vốn đang tồn tại tính bình quân cũ, mới thì vẫn còn cao, chưa phù hợp để DN có thể tiếp cận. Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng muốn tháo cho thị trường BĐS thì ít nhất phải hết năm nay sau khi các ngân hàng nâng cao được tính thanh khoản. Nguồn vốn huy động trong dân và các kênh khác như nhà đầu tư thứ phát, kiểu “huy động bán nhà trên giấy” thời điểm hiện nay không khả thi bởi niềm tin sụt giảm cộng với nghi ngại BĐS còn giảm sâu.

Các nguồn vốn khác như FDI hay kiều hối hiện có xu hướng tăng, song theo các chuyên gia, đây không phải nguồn vốn mang tính chi phối. Các nguồn vốn khác được trông đợi như quỹ tín thác và tiết kiệm nhà ở sẽ phải chờ một vài năm mới phát huy được hiệu quả. Để khơi thông dòng vốn trên thị trường, rõ ràng cần có những giải pháp đồng bộ, cả từ phía các DN, ngân hàng cũng như các cơ quan nhà nước mà yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là bản thân các DN.

“Để có nguồn vốn mới đòi hỏi nhiều yếu tố không chỉ là nguồn tiền mà bản chất ở đây là năng lực hiện tại của DN phải được củng cố nhiều hơn. Chúng ta nhìn thấy trách nhiệm của DN là cần tái cấu trúc DN, cắt giảm chi phí cho phù hợp với thời điểm thị trường đang đóng băng; thậm chí phải thay đổi ngành nghề KD cho phù hợp hơn”, ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - khẳng định.

Một điều quan trọng là các DN phải xây dựng được thương hiệu, uy tín và niềm tin đối với người góp vốn đầu tư mua bán BĐS như: quản trị nội bộ và có năng lực tài chính tốt hơn, thực hiện đúng thời gian, cam kết với khách hàng… “Nếu như chưa có niềm tin thì những giải pháp đưa ra không có ý nghĩa gì. Chỉ khi người dân có niềm tin mới sẵn sàng góp vốn vào và thị trường mới khởi sắc” - TS.Nguyễn Thị Mùi phân tích.

Ở góc độ khác, các chuyên gia cũng như chủ đầu tư kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có những dự báo chính xác và có những tác động cần thiết để làm ấm lại thị trường BĐS. Nói như GS Đặng Hùng Võ thì khi thị trường ấm lên, không cần giục thì khách hàng cũng sẽ gõ cửa xin chủ đầu tư được…nộp tiền

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Hà Nội yêu cầu giám sát Keangnam cung cấp dịch vụ

Thành phố Hà Nội vừa giao UBND huyện Từ Liêm chủ trì tổ chức hội nghị chung cư tại tòa nhà Keangnam và giám sát chủ đầu tư không được dừng cung cấp dịch vụ.

Theo chỉ đạo của thành phố, Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina phải có trách nhiệm duy trì bình thường các dịch vụ điện, nước, vệ sinh môi trường, thang máy để đảm bảo sinh hoạt bình thường cho các hộ dân. Hà Nội giao UBND huyện Từ Liêm tổ chức hội nghị chung cư tại tòa nhà Keangnam và giám sát chủ đầu tư không được dừng cấp dịch vụ.
Kể từ 1/4, đơn vị quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam cho biết sẽ áp mức phí quản lý mới của Keangnam là 15.080 đồng mỗi m2 một tháng. Thông báo này chỉ đưa ra vài ngày sau khi Keangnam xin giao lại công tác quản lý tòa nhà cho UBND thành phố điều hành vì bất lực khi cư dân chỉ đóng phí 4.000 đồng. Keangnam khẳng định, từ đầu tháng 4, Công ty TNHH Chesnut Vina xin rút khỏi không điều hành tòa nhà do không có kinh phí để trả cho nhân viên, duy trì tiện ích công cộng và vận hành trang thiết bị.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, đề xuất xin giao lại tòa nhà cho Hà Nội không được chấp thuận bởi không có cơ sở pháp lý. Keangnam được phép giao kinh doanh dự án thì phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối. "Keangnam đã bán nhà cho người dân phải chịu trách nhiệm với người dân. Đến nay, Keangnam đã nhận thức được vấn đề, họ đã quay lại tiếp quản vận hành tòa nhà", ông Hùng cho biết.
Với mức phí dịch vụ mới được đơn vị quản lý áp (trên 15.000 đồng mỗi m2), ông Hùng khẳng định đây chỉ mới là đề xuất của Keangnam. Để người dân thấy số tiền trên là hợp lý, thì Keangnam phải công khai phần lập dự toán. Từ đó hai bên mới ngồi với nhau cam kết đúng hợp đồng kinh tế.

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Hà Nội yêu cầu giải quyết việc thu phí ở Keangnam

Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, đề xuất giải pháp để xử lý các tồn tại trong quản lý, vận hành khai thác chung cư Keangnam.
> 'Mức phí của Keangnam không phá quy định'/ Keangnam đột ngột áp mức phí mới

Ngày 4/4, Phó chủ tịch UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất giải pháp theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra báo cáo về UBND thành phố trước 10/4.
Cuối tháng 3, khẳng định không đủ tài chính và bất lực vì cư dân chỉ đóng phí 4.000 đồng một m2 mỗi tháng, chủ đầu tư Keangnam Landmark Tower Ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina xin giao lại công tác quản lý tòa nhà cho UBND thành phố điều hành. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, đơn vị quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam cho biết sẽ áp mức phí quản lý mới của Keangnam (Phạm Hùng - Cầu Giấy) là 15.080 đồng kể từ 1/4.
Ảnh:
Mâu thuẫn về phí dịch vụ ở Keangnam diễn ra gần một năm nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ảnh: Hoàng Lan
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng, mức phí của Keangnam không phá trần quy định của thành phố. Song, để áp dụng, đơn vị quản lý cần công khai dự toán và thỏa thuận được với người dân.
Mâu thuẫn về phí dịch vụ của Keangnam nảy sinh từ hồi giữa năm ngoái và đến nay, qua nhiều cuộc họp bàn, với sự can thiệp của UBND thành phố, Sở Xây dựng nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tháng 9/2011, UBND Thành phố Hà Nội ban hành giá dịch vụ nhà chung cư và ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư. Về giá dịch vụ chung cư được chia làm ba mức khác nhau. Theo đó, nhà chung cư không có thang máy được quy định với mức giá 2.400 đồng/m2/tháng; nhà chung cư có thang máy - mức thiết yếu là 3.100 đồng; nhà chung cư có thang máy - mức mở rộng là 4.000 đồng.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Trung tâm Ba Đình sẽ có khu tổ hợp khách sạn, dịch vụ

Thủ tướng vừa đồng ý về chủ trương xây dựng Khu tổ hợp khách sạn, dịch vụ phục vụ cho các hoạt động chung các cơ quan Trung ương trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về điều hành chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội). Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết lần này cần nghiên cứu cụ thể các nội dung về tổ chức không gian, bảo đảm chức năng, các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông...
Về tổ chức không gian, Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu việc bố trí công trình Tòa nhà Chính phủ và Trụ sở Văn phòng Chính phủ. Nhà làm việc của Văn phòng Chủ tịch nước cần nghiên cứu để có quy mô cũng như vị trí thích hợp.
Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất của Bộ Xây dựng về chủ trương xây dựng Khu tổ hợp khách sạn, dịch vụ phục vụ cho các hoạt động chung các cơ quan Trung ương trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tại số 6-8 Chu Văn An và số 37 Hùng Vương - Lô H6. Khu tổ hợp này có quy mô khoảng 600 phòng nghỉ, được đầu tư hiện đại, đồng bộ và giao cho một cơ quan có năng lực để thống nhất quản lý, vận hành.
Một góc trong vườn Bách Thảo. Ảnh: Hung.TD
Khu vực vườn hoa Bách Thảo là không gian xanh được khai thác sử dụng chung cho nhân dân và khối các cơ quan Trung ương khi cần. Các biệt thự có giá trị kiến trúc trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình cần được cải tạo, chỉnh trang và phục vụ cho mục đích chung. Nhà làm việc của Bác Tôn, Bác Đồng sẽ được giữ gìn để làm nhà lưu niệm.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu bố trí địa điểm lễ tân, tiếp khách của Chính phủ, có thể kết hợp trong Tòa nhà Chính phủ mới và cải tạo từ một biệt thự có giá trị cao về lịch sử, kiến trúc trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình. Khu dân cư Tập thể 354, 3B Ông Ích Khiêm được quy hoạch chỉnh trang thành khu chung cư cao cấp, tạo điều kiện tái định cư cho các hộ dân.
Hệ thống giao thông phải được tổ chức bảo đảm lưu thông 2 chiều đường Độc Lập; nghiên cứu giải pháp xử lý xung đột gây ách tắc giao thông tại khu vực đường Mai Xuân Thưởng, Ngọc Hà, các nút giao thông tại các tuyến hướng vào Khu trung tâm. Vị trí bãi đỗ xe phục vụ cho cơ quan Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước phải đảm bảo an ninh, an toàn cho công tác bảo vệ và thuận lợi trong sử dụng...
Quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình được phê duyệt từ năm 2002, phạm vi nghiên cứu có quy mô 135 ha.

Cuối năm nay có thể thí điểm Quỹ tiết kiệm nhà ở

Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, tháng 4 tới, Bộ sẽ trình Chính phủ Quỹ tiết kiệm nhà ở và đưa vào vận hành thí điểm vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Tại cuộc hội thảo Giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản 2012 do Hiệp hội Bất động sản VN và InfoTV tổ chức sáng nay, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản cho hay, trong tháng 4, Bộ Xây dựng sẽ trình đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở.
Đề án gồm hai mô hình, Quỹ phát triển và tiết kiệm nhà ở xã hội để cho người có thu nhập thấp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Mô hình thứ hai là Quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở để các đối tượng có thu nhập ổn định từ trung bình trở lên mua nhà.
Ảnh: Hoàng Hà
Quỹ tiết kiệm nhà ở đóng trên cơ sở tự nguyện. Ảnh: Hoàng Hà
Theo ông Hà, người dân sẽ không đóng quỹ tiết kiệm trên cơ sở tiền lương mà chủ yếu dựa trên nhu cầu vay vốn trong tương lai. Ví dụ, nếu muốn vay 500 triệu đồng để mua nhà rộng 50 m2 thì người dân sẽ phải đóng 30% của tổng số tiền. Sau khoảng 4-5 năm, họ có thể được vay tiếp 70% số tiền còn lại. Tiền vay sẽ được trả trong khoảng 10 năm với lãi suất cố định.
"Lãi suất ngân hàng thương mại dù có biến động thì lãi suất của Quỹ tiết kiệm sẽ cố định để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nhà ở", ông Hà cho nói.
Trước đó, Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến 1% tổng tiền lương hằng tháng của người lao động. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, Quy định tỷ lệ tiền lương trích lại để đóng quỹ được áp dụng nhiều ở nước ngoài nhưng không thích hợp ở Việt Nam vì ngoài tiền lương còn có nhiều thu nhập khác như đi làm thêm, kinh doanh ngoài.
"Quỹ tiết kiệm nhà ở trước hết sẽ được thí điểm ở Hà Nội và TP HCM. Dự kiến, cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm sau sẽ đưa vào thí điểm", ông Hà cho biết.
Theo đề án, Quỹ tiết kiệm nhà ở được hình thành từ vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở; nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào quỹ; từ ngân sách trung ương; 30% lợi nhuận từ phát hành xổ số; phát hành trái phiếu nhà ở. Lãi suất huy động bằng 1/2 lãi suất vay thương mại (dự kiến 5%/năm), lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động cộng thêm 1%.
Hoàng Lan

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Nhà đầu tư ngoại lạc quan với thị trường địa ốc

"Tổng giá trị đầu tư cho bất động sản của Việt Nam mới chiếm 17% GDP, trong khi ở các nước khác lên tới hơn 40%".

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, chưa bao giờ các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản lại dừng hoạt động và đóng cửa nhiều như thời gian trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua. “Hiện sức ép của các ngân hàng và ‘đại gia’ bất động sản lên việc xây dựng chính sách là vô cùng lớn”, ông Thành nói.
Chỉ ra khó khăn chính của nền kinh tế hiện nay là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng giảm mạnh và nợ xấu đang bao phủ, ông Thành cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới là giải quyết những bất cập này. Chính vì vậy, theo ông Thành, “lãi suất ngân hàng có thể sẽ hạ vào cuối quý II năm nay”.
Ông Thành bày tỏ tin tưởng, nếu lạm phát trong năm nay được giữ ở mức 8 - 9%, Chính phủ sẽ áp dụng những biện pháp kỹ thuật để giảm tỷ lệ nợ xấu của bất động sản trong hệ thống ngân hàng. Đến khi đó “niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại giúp thị trường bất động sản hồi sinh”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, lãi suất có thể hạ vào cuối quý II và thị trường bất động sản sẽ hồi sinh.
Theo ông Yip Hoong Mun, Phó tổng giám đốc Công ty Capital Land, Singapore, công ty đã trải qua rất nhiều những bước thăng trầm. Năm 2006, Capital Land mới tham gia thị trường Việt Nam thì trong năm 2007, công ty đã phải đối đầu với khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng sang năm 2008 và 2009, Capital Land lại gặt hái được thành công lớn tại thị trường Việt Nam.
Ông Yip Hoong Mun cũng cho rằng, hiện còn khó khăn nhưng cơ hội về dài hạn là rất lớn. Thị phần dành cho các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khi mà tổng giá trị đầu tư cho bất động sản của Việt Nam mới chỉ chiếm 17% GDP, trong khi ở các nước khác lên tới hơn 40%. Ông này cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm tìm giải pháp tiếp cận nguồn vốn, đồng thời, kiến nghị Chính phủ cắt giảm lãi suất vào thời điểm phù hợp.
Lạc quan vào triển vọng dài hạn, ông Cheong Ho Kuan Tổng giám đốc Công ty Gamuda Land cho rằng: "Hà Nội có dân số trẻ, kinh tế năng động nên có tốc độ phát triển mạnh, thu nhập sẽ tăng nhanh. Trong khi đó ở khu vực trung tâm thành phố đang có mật độ dân số quá lớn nên xu hướng chuyển dịch nhà ở từ trung tâm ra ngoài khu vực đô thị vệ tinh ngày càng lớn và đây là cơ hội cho chúng tôi”. Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, khác với các chuyên gia trong nước cho rằng phân khúc căn hộ giá rẻ sẽ “lên ngôi”, ông Cheong Ho Kuan lại cho rằng, chính phân khúc đất nền mới là mảng có khả năng hồi phục sớm nhất.
Bình luận về quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài, TS Nguyễn Trí Thành cho rằng, sự hấp dẫn của thị trường không chỉ nằm ở nhân công giá rẻ hay lợi thế đất đai. Theo ông Thành, yếu tố quyết định thành công cho các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước chính là quyết tâm thực hiện quá trình cải cách của Chính phủ.
(Theo Đầu tư chứng khoán)

Bất động sản giá 'mềm' rục rịch khởi động

Từ giữa tháng 3, một số sàn địa ốc bắt đầu có giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài. Tuy nhiên, sản phẩm được mua chỉ giới hạn ở phân khúc căn hộ giá 1-1,4 tỷ đồng đóng 50% được nhận nhà và đất nền dưới 300 triệu đồng. 
> Địa ốc tung chiêu kích cầu

Trong Tuần lễ an cư diễn ra từ ngày 21 đến 26/3, chợ nhà đất này có 40 giao dịch thành công ở phân khúc căn hộ. Các dự án được mở bán gồm: Sài Gòn Mới, Ngọc Lan (quận 7), Trường Thọ (quận Thủ Đức), Chương Dương, An Bình (quận Bình Tân)... Những chung cư này có giá từ 900 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng, khách đóng 50% giá trị căn hộ được nhận nhà, số còn lại được vay trả góp có sự hỗ trợ từ chủ đầu tư.
Còn thống kê từ sàn địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, dự án căn hộ Quang Thái được chào bán giữa tháng 3 với giá từ 900 triệu đồng một căn, đóng 50% giá trị căn hộ được nhận nhà đã giao dịch được 20% trên tổng số 272 căn.
Nhà chung cư có giá "mềm" được chào bán nhiều tại tuần lễ an cư diễn ra ngày 21 đến 26/3 tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê
Ngoài ra hàng loạt những dự án có thời gian bàn giao nhà trong năm 2012 cũng được nhiều khách tìm mua gồm: Thái An (quận 12), An Tiến (huyện Nhà Bè). Các dự án này đều đã bán được trên 95% số lượng căn hộ tung ra thị trường giữa lúc địa ốc trầm lắng. Hiện các dự án này vẫn có giao dịch trên thị trường tự do với giá chênh lệch 30-50 triệu đồng một căn đối với căn hộ diện tích nhỏ hoặc hướng nhìn đẹp.
Không chỉ có căn hộ giá rẻ bàn giao nhà trong năm bắt đầu có giao dịch trở lại từ sau Tết mà đất nền giá rẻ cũng khởi động bán hàng. Tại buổi mở bán giai đoạn 2 dự án Biên Hòa Dragon City II (Đồng Nai), hàng chục khách hàng đã xuống tiền đặt cọc và ký hợp đồng mua đất nền ngày 24/3. Nhiều khách hàng là dân địa phương cũng đến mua nền đất. Giá bán sản phẩm này khá mềm, 2,7-3 triệu đồng mỗi m2, trung bình giá một nền đất khoảng 250-300 triệu đồng.
Dù đất nền giá rẻ giáp ranh TP HCM có giao dịch nhưng đất nền ở các quận ngoại thành TP HCM lại ghi nhận giao dịch giảm giá. Khảo sát từ hệ thống sàn giao dịch bất động sản Vinaland tuần 24/3, trong gần 200 danh mục nhà đất tại TP HCM đứng giá, có vài danh mục đất nền bị giảm giá.
Khách hàng tham khảo giá và tìm hiểu các dự án bất động sản. Ảnh: Vũ Lê
Cụ thể, tại huyện Bình Chánh, đất nền dự án 13A, 13B mất giá ít nhất 1% dù tuần trước đó đã từng bị giảm giá từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng mỗi m2. Mức giá ghi nhận tại dự án 13A thấp nhất là 8,5 triệu đồng mỗi m2 và cao nhất là 15 triệu đồng mỗi m2, tùy vào diện tích nền đất. Còn giá bán dự án 13B được ghi nhận ở mức 16,2-17,5 triệu đồng mỗi m2 đối với nền đất 120-144 m2. 

Theo Giám đốc Công ty Eden Real, Huỳnh Kim Đoan, nếu trước đây giá bất động sản quá cao, người dân không thể mơ đến một ngôi nhà của riêng họ thì hiện nay thị trường đã có nhiều biến chuyển. "Các doanh nghiệp bất động sản đã thấu hiểu được nhu cầu của thị trường và điều chỉnh giá phù hợp hơn. Điều này đã giúp doanh nghiệp và người mua nhà gặp nhau”, bà Đoan nhận xét.
Tại hội thảo "Cơ hội cho thị trường bất động sản 2012", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, Đặng Hùng Võ nhận định, phân khúc chung cư giá 15 triệu đồng mỗi m2 trở xuống và nền đất để xây nhà trong các đô thị mới hoặc đô thị vệ tinh sẽ là điểm sáng của năm 2012.
Chuyên gia này cho biết: "Thực tế các giao dịch bất động sản thành công đều có giá thấp. Nhờ giá nhà đất vừa túi tiền người dân mới có khả năng chi trả. Hiện thị trường chủ yếu hướng đến người mua thật, nhu cầu an cư là chính".
Ông Võ dự báo, nửa đầu năm 2012 dòng vốn cho bất động sản chưa thể khơi thông được được do thanh khoản của các ngân hàng còn thấp. Câu chuyện của thị trường địa ốc hiện nay vẫn là vốn. Ngay cả khi bất động sản phải sử dụng vốn tín dụng tháo gỡ thì với với lãi suất cao như hiện nay cũng rất khó.

Nhà nhỏ dưới 2 tỷ đồng được quan tâm

Thị trường nhà đất trong những tháng đầu năm 2012 vẫn chưa khởi sắc song những dự án trên dưới 2 tỷ đồng ở phía Tây, nhà thổ cư trong ngõ nhỏ và các chung cư cũ tại các quận nội thành vẫn được quan tâm.

Theo nhận định của CBRE tại báo cáo quý IV/2011, thị trường bất động sản năm 2012 vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Do đó, 2012 sẽ là năm của những chủ đầu tư có chiến lược đầu tư bài bản, có tầm nhìn dài hạn.
Trong bối cảnh đó một số khách hàng đang nhắm đến mua căn hộ sắp đưa vào sử dụng ở khu vực Hà Đông, Long Biên hoặc một số dự án ở phía Tây thành phố có tiến độ xây dựng rõ ràng. Đặc biệt những dự án có giá mềm, trả theo tiến độ hợp lý từ 1,6 đến 2 tỷ đồng ở một số dự án như Văn Phú - Victoria, hoặc các dự án trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài thu hút khách.
Tổ hợp The Van Phu – Victoria đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ hoàn thành bàn giao trong năm 2013.
Tổ hợp The Van Phu - Victoria đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ hoàn thành bàn giao trong năm 2013.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận. Chị Lan một người có nhu cầu đầu tư nhà đất giá rẻ trong thời điểm hiện tại cũng đang rậm rịch tìm đất giá rẻ để đầu tư và thấy rằng thời điểm này khá hợp lý vì giá nhà đất đã giảm tới 40%. Đất một số khu vực sôi động một thời như Thanh Hà A của chủ đầu tư Cienco 5 trước đây một lô đất liền kề có giá từ 35 triệu đồng đến 38 triệu đồng một m2 thì nay mức giá mà chủ đầu tư đưa ra chỉ còn khoảng 23 triệu đồng một m2 cho lô đất khoảng 80 m.
Ông Tô Như Toàn – Chủ tịch HĐQT Văn Phú Invest trao thưởng cho nhóm tác giả đạt giải nhất cuộc thi thiết kế biểu tượng Khu đô thị mới Văn Phú.
Ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT Văn Phú Invest trao thưởng cho nhóm tác giả đạt giải nhất cuộc thi thiết kế biểu tượng Khu đô thị mới Văn Phú.
Anh Toàn, một nhân viên làm tại Sàn bất động sàn An Phát nằm cạnh khu đô thị Văn Phú chia sẻ, trong khoảng 1 tháng trở lại đây số lượng các giao dịch của các căn hộ bắt đầu có tiến triển hơn so với thời điểm cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, xu hướng những người có nhu cầu ở thực đang tìm kiếm và mua các căn nhà liền kề đã bàn giao với mức giá hợp lý từ 4,5 đến 5 tỷ đồng đang tăng lên, do đó các căn liền kề khu vực này hiện đang tăng giá từ 1-2 triệu đồng một m2.
Trong quý I vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã tổ chức lễ công bố kết quả và trao giải Cuộc thi thiết kế công trình biểu tượng Khu đô thị mới Văn Phú. Cuộc thi nhằm tìm kiếm một tác phẩm có ý nghĩa và giá trị nghệ thuật xuất sắc để triển khai xây dựng trong khu đô thị.
Tại thời điểm này, một số doanh nghiệp BĐS Việt Nam vẫn tiếp tục đảm bảo tiến độ xây dựng các dự án. Họ đầu tư vào các hoạt động hướng đến mục tiêu lâu dài và phát triển bền vững.
Dự đoán xu hướng thị trường bất động sản năm 2012, các chuyên gia cho rằng, phân khúc có giá dưới 2 tỷ đồng một căn có đủ tính pháp lý, có tiến độ xây dựng rõ nét, có cam kết sẽ sôi động. Các động thái tiếp theo của ngân hàng nhà nước trong thời gian tới sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thị trường bất động sản.