Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

BĐS đua phá giá, khách hàng vẫn chùn tay

BĐS đua phá giá, khách hàng vẫn chùn tayKhông ít doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội và TP HCM đang đua nhau phá giá căn hộ để nhanh bán được hàng, mau thu hồi vốn. Song, việc 90% chung cư đang sử dụng có chất lượng tồi, các vụ kiện tụng, biểu tình của cư dân thời gian qua... khiến khách hàng ngày càng e dè với phân khúc này.
 
Thông tin Tài chính - Bất động sản, Thị trường chứng khoán, Giá vàng cập nhật liên tục và nhanh nhất
Đua nhau phá giá
“Ăn theo” xu hướng phá giá của nhiều dự án bất động sản tại TP HCM, không ít doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội cũng đua giảm giá mạnh để nhanh bán được hàng, mau thu hồi vốn.
Theo bảng báo giá thị trường chung cư Hà Nội mới đây nhất của Sàn giao dịch bất động sản DTJ, nhiều chung cư hạng trung và cao cấp tại Hà Nội đang có mức hạ giá đáng kể. Dự án chung cư cao cấp FLC Landmark Tower trên đường Lê Đức Thọ, huyện Từ Liêm trước đây từng được chủ đầu tư công bố giá 30 triệu đồng/m2, nay chỉ còn chào bán ở mức 22 – 23 triệu đồng/m2.

Tại các dự án chung cư hạng trung, rất nhiều căn hộ có mức giá bán hiện tại thấp hơn tới vài triệu đồng/m2 so với thời điểm chào sàn hoặc so với năm 2011.

Tổ hợp chung cư Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường đang được chào bán ở mức 18 – 19 triệu đồng/m2, trong khi tại thời điểm mở bán, chủ đầu tư đưa ra mức giá trung bình 22 triệu đồng/m2. Còn những căn hộ có vị trí đẹp và diện tích rộng hơn, giá bán lên tới 24 – 25 triệu đồng/m2.

Dự án The Pride trên mặt đường Lê Văn Lương, quận Hà Đông thời điểm mở bán 2 năm trước giá chủ đầu tư đưa ra là 20 - 21 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá trên thị trường của chung cư này được chào bán phổ biến ở mức 16 – 17 triệu đồng/m2. So với mặt bằng giá chung cư hạng trung hiện nay tại Hà Nội, mức giá này được xem là khá rẻ.
BĐS đua phá giá, khách hàng vẫn chùn tay, Tài chính - Bất động sản, bat dong san, chung cu, can ho, du an, cong ty, dau tu, xay dung, chu dau tu, ha gia, khach hang, bao
Nguồn cung căn hộ chung cư đang bội thực song người dân ngày càng e dè với phân khúc này.
Cũng tại quận Hà Đông, chung cư Golden Place do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 làm chủ đầu tư cũng đang được rao bán quanh mức 16 triệu đồng/lượng. Khi chào sàn, chủ đầu tư công bố giá bán của chung cư này là 19,2 triệu đồng/m2.

Đại diện của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 cho hay, hầu hết những dự án có mức giá hiện tại phá giá thị trường tại Hà Nội chủ yếu là do các công ty, nhà đầu tư thứ cấp rao bán, chỉ một số ít là do chủ đầu tư có chương trình hạ giá, bởi giảm được nữa thì họ đã giảm từ trước đó rồi.

Như vậy, với mức giảm giá trên thì hiện khách hàng mua một căn hộ chung cư hạng trung có diện tích 100 m2 có thể tiết kiệm được 300 – 400 triệu đồng so với trước đây, một con số quả là không nhỏ.

Khách hàng vẫn “chùn tay”
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tại thành phố Hà Nội và TP HCM có trên 90% lô chung cư được đánh giá hư hỏng, xuống cấp trong đó có gần 25% lô chung cư ở tình trạng hư hỏng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, rất nhiều vụ kiện tụng, bức xúc, thậm chí biểu tình của cư dân các chung cư ở Hà Nội thời gian qua, kể cả chung cư cao cấp như Keangnam, Golden Westlake, Vinaconex… vì nhiều loại phí chung cư tăng cao, bị cắt thang máy, bịt lối đi chung… càng khiến người dân thờ ơ với thị trường căn hộ dù phân khúc này đang được giảm giá mạnh nhất.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty bất động sản Wikinhadat cho hay, thống kê của công ty cho thấy trong tháng 5, lượng giao dịch bất động sản thành công tại Hà Nội giảm tới 30% so với tháng 4, trong đó giảm mạnh nhất là phân khúc căn hộ chung cư. Giá thị trường bất động sản nói chung trong tháng 5 cũng giảm bình quân 10% so với tháng 4, riêng phân khúc chung cư mức sụt giá mạnh hơn. Giá căn hộ chung cư hiện giảm tới 35% so với thời điểm giữa năm 2011.

“Hiện đất nền giá rẻ, nhà liền kề, nhà có giá trị sử dụng luôn vẫn là phân khúc được khách hàng quan tâm và tìm mua nhiều nhất, còn căn hộ chung cư thì chênh lệch cung cầu khá lớn khi nguồn cung đang bội thực mà người dân ngày càng e dè”, ông Việt nói.

Tại thị trường TP HCM, căn hộ chung cư hiện cũng không được người dân “mặn mà”. Theo ông Bùi Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), công ty đang có chương trình cho cán bộ công nhân viên mua nhà với giá ưu đãi, vì vậy mà doanh số bán hàng tháng 5 tăng hơn so với tháng 4. Tuy nhiên, nếu không tính nhà đất, căn hộ bán ra theo chương trình này, thì doanh số bán hàng trong tháng 5 của công ty vẫn thấp hơn so với tháng 4. Từ đầu tháng 5 đến nay, Sacomreal mới chỉ bán được hơn 20 căn hộ chung cư. Con số này không được như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng, một điều nan giải của thị trường bất động sản hiện nay là số lượng hàng tồn kho khổng lồ của các doanh nghiệp địa ốc, mà phần lớn là căn hộ chung cư. Báo cáo tài chính quý 1 năm nay của các doanh nghiệp cho thấy nhiều con số đáng giật mình. Công ty cổ phần Đầu tư - kinh doanh nhà (ITC) lỗ 137,3 tỷ đồng, nhà, căn hộ tồn kho lên tới 1.739 tỷ đồng, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) lỗ 39,83 tỷ đồng, hàng tồn kho 2.685,4 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) lỗ hơn 1,1 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.136,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 lỗ 8,94 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.168 tỷ đồng.

Một trong những đại gia có số hàng tồn kho bất động sản lớn nhất trên thị trường phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai, với số lượng hàng tồn kho 4.676 tỷ đồng. Sang năm 2012, những tưởng kinh tế khởi sắc hơn, lãi suất giảm, nhà đất giảm giá…, các doanh nghiệp trên sẽ giải quyết được một phần bất động sản tồn kho. Song, còn số này lại càng tăng hơn. Cụ thể, hàng tồn kho của Hoàng Anh Gia Lai cuối năm 2011 là 4.448 tỷ đồng, tới hết quý 1/2012 lên tới 4.676 tỷ đồng. Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hàng tồn kho cuối năm 2011 là 2.590 tỷ đồng, tới hết quý 1/2012 tăng lên 2.685,4 tỷ đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét